Ngôi trường không chỉ đơn giản là nơi để học tập mà nó còn là nơi trú ẩn của chính những tâm hồn trẻ thơ khi đã phải đứng trước sự khắc nghiệt của cuộc sống.


Bữa trưa tại điểm trường Khe Chữ được bưng lên lúc 11 rưỡi.

Trên nền đất, có một nồi canh lớn và một rổ bún lớn. Bún được xúc ra từng bát nhựa, rồi chan vào một muôi nước canh. Nước canh gần như không có rau, chỉ có một miếng cá nhỏ bằng hai ngón tay được cân vào từng bát. Màu nước trong không làm những bát nhựa bớt màu trắng lốp của bún nhạt.

Những đứa trẻ chân đất xếp hàng háo hức chờ đợi. Một bát bún được chan, một đứa trẻ vội vàng cúi xuống bưng lấy, đưa về bàn. Một bát bún nữa, một đứa trẻ nữa. Cứ thế, hơn bốn mười bàn chân đất vây quanh nồi canh có phần riêng của mình, tự ngồi lên ghế và bắt đầu ăn.
Giữa căn phòng ăn của ngôi trường, mà thực ra là một căn lều bạt khổng lồ, chúng bắt đầu ngấu nghiến dùng đũa và bún vào miệng. Cô giáo đứng trong góc phòng quan sát - những đứa trẻ tự giác ăn vì cô cũng không thể lo cho từng đứa. Một cô bé bỗng khóc nấc lên, vì đói quá nên đã cuống hay vì không thạo dùng đũa, không tự và được bún. Một chị lớn học tiểu học ngồi bên bỏ bát xuống rồi đút cho em ăn. Tiếng khóc lặng xuống. Buổi trưa ở trường Khe Chữ chỉ có sột soạt tiếng húp nước vội vàng, mấy câu cười đùa bằng ngôn ngữ bản địa của lũ trẻ.

Đó thực ra không hẳn là "bữa trưa của điểm trường Khe Chữ". Ngân sách không có tiền cho các con ăn buổi trưa. Đó là một bữa trưa từ thiện, mà thầy cô ở Khe Chữ cố gắng duy trì bằng nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm. Họ đến từ đợt bão lũ cuốn trôi đi làng bản năm ngoái.

"Bữa ở trường này gần như là bữa duy nhất trong ngày có thịt của bọn trẻ" - thày Khánh nói, về miếng cá mỏng bằng hai ngón tay trong bát bún đầy.
Cột cờ trong sân trường làng Khe Chữ là một thanh tre dài cắm xuống đất. Những cơn gió Đông Bắc đã bẻ cong cột cờ ấy về hướng Tây Nam.

Gió Đông Bắc ở nơi này xuất hiện ngay cả trong những bức tranh của trẻ thơ. Khi những đứa trẻ trong trường làng Khe Chữ được đưa giấy, bút sáp và đề nghị “vẽ ngôi trường mơ ước” của chúng, rất nhiều thứ đẹp đẽ xuất hiện trên trang vẽ.

Chúng vẽ xe hơi. Gần như bức tranh nào cũng có xe hơi. Cho dù xe hơi vào được đến Khe Chữ những ngày này là một kỳ công. Con đường quanh co từ trung tâm huyện Nam Trà My vào đến Khe Chữ đang làm dở, dấu vết của các trận sạt lở chưa được lấp hết đi.

Chúng vẽ những vườn hoa. Cho dù làng bản bây giờ vẫn ngổn ngang đất cát, những chái nhà lợp tôn dựng dở, những con đường lồi lõm vết máy cẩu nghiến trên bùn.

Chúng vẽ một ngôi trường bằng gạch, có mái ngói, theo bố cục kinh điển của những căn nhà trong tranh trẻ thơ. Cho dù ngôi trường mà lũ trẻ đang theo học bây giờ, là một bố cục kinh điển của những vùng bão lũ đi qua: mấy gian nhà tạm dựng bằng tôn và bạt, cặp sách, giường ngủ, cả bữa ăn của học sinh là đến từ những đoàn từ thiện.
Và không giao hẹn trước, nhiều bạn vẽ những cơn mưa. Những vết sáp chéo nhỏ, màu xanh hay màu đen, phủ quanh ngôi trường. “Đây là gì hả con?” – người viết hỏi lại, để khẳng định, vì mưa không phải là một yếu tố thường lệ trong những bức tranh trẻ thơ. “Là mưa ạ” – đứa bé trả lời.

Gió Đông Bắc mang đến nơi này những cơn mưa. Trên website của huyện Nam Trà My, người ta tìm thấy những dòng mô tả ngắn gọn đặc điểm khí hậu của vùng: “Gió Đông Bắc thường diễn ra trong tháng 9 đến tháng 2, mang lại lượng mưa lớn và nhiệt độ thấp gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cây trồng và vật nuôi”. Hay là việc nơi này “chịu ảnh hưởng của 2 miền khí hậu: khí hậu khu vực duyên hải Nam Trung bộ và khí hậu Bắc Tây nguyên nên lượng mưa trong năm rất lớn”.

Mưa đã trở thành một ấn tượng hiển nhiên trong tâm trí của những đứa trẻ ở đây. Để nhận ra rằng khí hậu của vùng núi này khắc nghiệt ra sao, không cần nhìn lên trời, mà phải nhìn vào bức tranh của trẻ con.

Xem thêm: XÉT TUYỂN CAO ĐẲNG HỘ SINH THÍ SINH CẦN BIẾT ĐIỀU GÌ? tại chuyên mục Giáo dục.