Trong khi cộng đồng doanh nghiệp châu Á ngày càng cam chịu trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam lại có thể đón nhận các cơ hội kinh doanh đến từ nước láng giềng phía bắc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nguy cơ trở thành đối tượng tiếp theo bị Mỹ áp thuế.

Chuyển sản xuất đến Việt Nam không phải điều gì mới. Việt Nam trong năm 2017 đã đón nhận 35,68 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo số liệu thống kê của chính phủ. Các công ty Trung Quốc đang ngày càng coi chiến tranh thương mại là động lực để “nam tiến”.

Tháng 10, GoerTek, nhà sản xuất Airpod cho Apple, trụ sở ở Sơn Đông, thông báo sẽ chuyển hoạt động sản xuất tai nghe không dây về Việt Nam. Giám đốc điều hành Jiang Bin cho biết chiến tranh thương mại là yếu tố khiến ông có quyết định này.

Thương hiệu giày Brooks Running của tỷ phú Warren Buffett dường như cũng sắp có động thái tương tự.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế và doanh nhân Việt Nam lại có cái nhìn trái chiều về xu hướng này. “Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ nhận thêm bao nhiêu giá trị gia tăng”, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nói.

Theo bà, Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghệ cao – lĩnh vực mà công ty Samsung của Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất. Việt Nam hưởng lợi ít hơn nếu doanh nghiệp Trung Quốc chỉ chuyển sản xuất các mặt hàng giá trị thấp như dệt may.

“Ngành công nghiệp này vẫn nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc, với tư cách là nhà cung ứng nguyên liệu, hưởng lợi nhiều nhất khi các doanh nghiệp chuyển nhà máy sang Việt Nam”, bà Lan cho biết.

Ông Thân Đức Việt, phó tổng giám đốc công ty cổ phần May 10, trụ sở Hà Nội, nhận định cuộc chiến thương mại là điều “vừa có lợi, vừa có hại cho hoạt động kinh doanh”.

May 10 đã đón nhận nhiều đơn hàng từ khách hàng Mỹ hơn từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Tuy nhiên, ông Việt lo ngại về tác động từ hàng loạt công ty Trung Quốc đang tìm cách né thuế.

“Những công ty đó sẽ cạnh tranh trực tiếp với chúng tôi về lực lượng lao động. Điều này sẽ tạo ra sức ép lớn”, ông Việt nói.

Bà Phạm Thị Liễu, CEO công ty liên doanh Msa-Hapro – chuyên về các sản phẩm dệt may, có cùng quan điểm.

“Khi tới đây, họ sẽ thu hút lực lượng lao động bằng cách tăng lương. Do đó, công nhân sẽ rời bỏ chúng tôi để đầu quân cho họ”, bà Liễu nói. Msa-Hapro cũng chưa hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại do hầu hết khách hàng của công ty ở châu Âu.

Mức lương tối thiểu của Việt Nam thấp hơn so với Trung Quốc, khoảng 2,76 – 3,98 triệu đồng/tháng (120 – 170 USD/tháng). Tại Trung Quốc, lương tối thiểu ở tỉnh Quảng Đông là 315 USD/tháng, ở Thượng Hải là 350 USD/tháng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng trong khi công nhân lĩnh vực dệt may và công nghệ có thể hưởng lợi, sự chuyển dịch của các công ty Trung Quốc tạo ra rủi ro cho Việt Nam nếu Mỹ quyết định áp thuế lên hàng Việt Nam xuất khẩu bị nghi là có nguồn gốc Trung Quốc.

Mỹ hồi tháng 5 áp thuế lên nhôm và thép của Việt Nam với lý do Trung Quốc đang thông qua Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá đối với hai sản phẩm này.

“Một bộ phận nhỏ công nhân Việt Nam hưởng lợi nhờ lương tăng nhưng Việt Nam lại đón nhận một nguy cơ rất lớn bởi sự chuyển dịch của các công ty Trung Quốc sẽ khiến Mỹ điều tra nguồn gốc hàng hóa Việt Nam”, theo ông Doanh.

Bà Lan cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam có thể rơi vào tầm ngắm của Mỹ. “Trong trường hợp đó, không chỉ các công ty Trung Quốc, ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ mang họa”.

Carl Thayer, giáo sư tại Đại học New South Wales, Australia, chuyên gia về Việt Nam, tin nguy cơ trên là có thật.

“Chính quyền Trump càng tăng thuế, quốc gia tìm cách xuất khẩu hàng nguồn gốc Trung Quốc càng có nguy cơ bị Mỹ đáp trả”, ông Thayer nói. Công nghệ dường như “may mắn” hơn những lĩnh vực khác trong chiến tranh thương mại. “Các ngành công nghiệp sản xuất bộ phận công nghệ cao cho điện thoại di động và thiết bị điện tử vẫn diễn biến tốt”.

Bà Lan nhất trí Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất nếu các hãng công nghệ khổng lồ từ Bắc Mỹ, châu Âu và đông bắc Á chuyển FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo nguy cơ Việt Nam bị Mỹ nhắm đến, bất kể các công ty Trung Quốc không chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, bởi Tổng thống Donald Trump là người nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ.

“Việt Nam là quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ 6. Thặng dư thương mại với Mỹ năm 2017 là 38,5 tỷ USD và con số này năm nay có thể cao hơn nữa”, theo bà Lan.


Trong khi đó, các nhà phân tích Mỹ lạc quan thận trọng về khả năng Việt Nam có thể tránh được những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ chiến tranh thương mại.

Thứ nhất, Việt Nam hôm 12/11 đã thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định thương mại gồm 10 quốc gia, và đang trong giai đoạn hoàn tất thỏa thuận tự do thương mại với Liên minh châu Âu (EU).

Chính phủ Việt Nam tin CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP hàng năm thêm 1,32% cho tới năm 2035, tạo ra 20.000 – 26.000 việc làm mỗi năm.

“Chúng tôi có thể sử dụng CPTPP để thu hút đầu tư tốt hơn, lôi kéo các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại mở nhà máy tại Việt Nam”, theo ông Hoàng Văn Cường, phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân. “CPTPP sẽ là cơ hội của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nếu cơ hội này được tận dụng tốt, Việt Nam sẽ là trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất và chế biến”.

Michael Mazza, học giả chuyên về chính sách quốc phòng của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, trụ sở Washington, nói trong khi những tín hiệu hỗn hợp của Trump về thương mại khiến tình hình trở nên khó đoán, có lý do để tin Washington có thể khoan dung với Hà Nội hơn là Bắc Kinh.

“Tổng thống tiếp tục nói về thâm hụt thương mại theo hướng rất tiêu cực và do thặng dư 38 tỷ USD với Mỹ trong năm 2017, Việt Nam có nguy cơ bị chính quyền Trump nhắm đến”, Mazza nói. “Chúng tôi đã thấy Mỹ hoàn tất các thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, Canada và Mexico, chọn cách tiếp cận hợp tác hơn với EU và đàm phán thương mại với Nhật Bản”.

Không giống như Trung Quốc, quan hệ đối tác an ninh của Việt Nam với Mỹ - đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, khiến chính quyền Trump có thêm ưu tiên trong quan hệ với Hà Nội.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thăm Việt Nam hai lần trong năm 2018 còn Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”, ưu tiên với cả Việt Nam và Mỹ.

“Tất cả những lý do trên cho thấy việc lập chính sách kinh tế không diễn ra trong tách biệt. Có cơ sở để tin rằng quan hệ Việt – Mỹ không hoàn toàn miễn nhiễm với căng thẳng thương mại song phương nhưng cũng không bị yếu tố này chi phối”, Mazza nhận định.

Ông Thayer nói dù Việt Nam có thặng dư thương mại với Mỹ cao thứ 6, con số đó chỉ là “củ khoai nhỏ” nếu so với Trung Quốc và Đức. “Tôi nghĩ khả năng Việt Nam chịu thuế liên quan thặng dư thương mại với Mỹ khá thấp bởi Việt Nam đã tỏ ý sẵn sàng thương lượng một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ”.

Theo ông Thayer, một lo ngại khác là các lệnh trừng phạt của Mỹ với ngành công nghiệp vũ khí Nga. Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Việt Nam. Lệnh trừng phạt Mỹ triển khai hồi đầu năm nhằm vào các bên mua vũ khí Nga có thể được áp dụng với Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thayer cho rằng nguy cơ này cũng không cao.

“Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đề xuất quốc hội Mỹ miễn trừ (cho Việt Nam)”, theo Thayer.

Ông Mai Vũ Minh, chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty SAPA Thale GmbH tại Đức, cho rằng Việt Nam không đơn thuần chỉ phản ứng với những thay đổi mà còn phải hành động để đổi mới cách thức vươn lên trong chuỗi cung ứng.

“Các doanh nhân cần thay đổi để thích ứng với công nghệ mới, phương thức quản lý mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

>> Xem thêm tin tức bất động sản Việt Nam

Theo Như Tâm

Người đồng hành