iPad giờ đây đang là một tablet của Apple gần như không thể bị đánh bại.




Trong thời gian gần đây doanh số iPad đang dần suy giảm, nhưng chỉ trong tuần vừa rồi hãng lại có được hai “cú hích” đến từ hai đối thủ lớn nhất của mình: Google bán ra chiếc Nexus 9 với sự đe dọa chiếm lấy ngôi thống trị của iPad, còn Microsoft thì tuyên bố cung cấp bộ ứng dụng Office hoàn toàn miễn phí cho iOS. Apple chẳng phải làm gì, thế mà chỉ sau một ngày chiếc iPad bỗng trở nên thông minh hơn, làm được nhiều việc hơn và hẳn là mang lại cho người dùng nhiều giá trị hơn. Và những điều tương tự cũng đã diễn ra kể từ khi thiết bị này ra đời.

Chiếc iPad đời đầu tiên, giờ đây đang tiến đến cột mốc 5 tuổi, được giới thiệu với chỉ “12 ứng dụng cảm ứng đa điểm thế hệ mới”, theo lời quảng bá của Apple vào năm 2010. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, hàng trăm, hàng nghìn app được thiết kế riêng cho iPad đã xuất hiện trên App Store. Apple đã đặt ra một nền tảng xuất sắc với thiết kế phần cứng tốt cộng với phần mềm ngon lành, sau đó đợi cho những bên khác hoàn tất công việc của mình. Giới lập trình viên cũng được củng cố niềm tin vào iPad nhờ sự thành công trước đó của iPhone cũng như lợi nhuận màu mỡ đến từ Apple, thế là họ đổ xô xây dựng một hệ sinh thái phần mềm phong phú cho iPad.

Là một thiết bị, iPad giờ đây đang đứng trước sự bão hòa của thị trường và đang phải chịu sự giảm sút về doanh số. Nhưng nếu chúng ta xem đây là một loại điện toán di động mới thì tablet của Apple gần như là không thể bị đánh bại.

Google Nexus 9 chính là ví dụ sinh động nhất về những thứ đã giúp iPad trở nên hấp dẫn đến như thế trong mắt người tiêu dùng. Trước đây tất cả những máy tính bảng Android đến từ các công ty lớn đều sử dụng tỉ lệ màn hình 16:10 hoặc 16:9 trong một thời gian dài. Thế rồi Nexus 9 ra đời và chuyển sang xài tỉ lệ 4:3 tương tự như iPad bởi tỉ lệ này mang lại cảm giác tự nhiên hơn và phù hợp hơn so với kích thước 9”.



Android Lollipop cũng là đợt tinh chỉnh lớn nhất từ trước đến nay của Google về mặt phần mềm tablet, nhưng để hệ sinh thái đó đạt đến mức độ bằng với iPad thì phải đợi thêm một thời gian khá dài nữa, có thể mất đến cả năm theo như dự đoán của chính Google. Chính ứng dụng cũng là thứ khiến người dùng gắn bó với iPad, nó là trải nghiệm của iPad và khiến khách hàng ít bị thu hút bởi các sản phẩm tablet Android.

Mặc dù lịch sử của iPad chỉ mới bắt đầu cách đây 4 năm nhưng nó lại là khởi điểm của nhiều ứng dụng tốt trong thế giới di động. Phần mềm Paper của hãng FiftyTree, một trong những ứng dụng vẽ tốt nhất trên tablet, ra mắt lần đầu tiên cho iPad. Trình đọc tin tức dạng tạp chí Flipboard cũng xuất phát từ iPad rồi sau đó mới tiến sang Android, còn game Infinity Blade dành riêng cho iOS thì đặt ra một tiêu chuẩn mới về mặt chất lượng đồ họa của game di động. Những phần mềm như Traktor DJ và Auxy thì biến iPad thành một công cụ chơi nhạc chuyên nghiệp. Và giờ đây, Microsoft đã mang trải nghiệm Office tuyệt vời lên thiết bị của Apple.

Sự tiến hóa thường được đặc tả bởi những thay đổi bất ngờ, khó dự đoán trước và có phần… bạo lực. Đó là những gì đang diễn ra ở Microsoft vào thời điểm này khi mà tân CEO Satya Nadella đang tái cấu trúc lại toàn công ty với tầm nhìn đó là cung cấp sản phẩm trên mọi nền tảng, không chỉ khư khư giữ riêng cho Windows nữa. Quyết định bán miễn phí bộ Office cho iOS (và cả Android) được khơi nguồn từ nhu cầu sử dụng Word, Excel, PowerPoint của người dùng trên thiết bị di động theo cách thật chuẩn như trên PC, và iPad chính là đích ngắm lớn nhất của quyết định này.



Ban đầu iPad chỉ giống như một chiếc iPod Touch phóng to, và theo thời gian, nó đã âm thầm trở thành một cỗ máy phục vụ công việc có thể làm được gần như mọi thứ, từ việc đóng vai trò như quyển catolog của cửa hàng, một quyển sổ ghi chú của các anh chị nhà báo, cho đến bàn chế nhạc của DJ.

Thực chất thì có cả một "mạng lưới” nguyên nhân phức tạp nằm sau những động thái của Microsoft - trong đó có việc ứng dụng văn phòng trực tuyến Google Docs và hệ điều hành Android đang dần thống trị thị trường thiết bị di động. Nhưng còn với iPad thì mọi chuyện khá bất ngờ, bởi Microsoft đang làm phần mềm, mà lại làm rất tốt, cho thiết bị đối thủ của chính hãng. Từ lâu Microsoft đã ấp ủ giấc mơ đánh bại iPad bằng các máy tính bảng Windows, và nỗ lực mới nhất chính là chiếc Surface Pro 3. Thế nhưng những sản phẩm này lại bị đi vào vết xe đổ của tablet Android khi không cung cấp đủ phần mềm được tối ưu hóa cho máy tính bảng. Trong khi đó, những đối thủ như Amazon thì khéo léo chọn một con đường khác: hạ giá máy xuống thật thấp, sau đó kiếm tiền từ những nội dung như app, sách, nhạc, phim…



Nexus 9, Samsung Galaxy Tab S, Sony Xperia Z3 Tablet Compact là những sản phẩm mới nhất có khả năng đứng ra thách thức trực tiếp với iPad, nhưng tất cả đều chỉ như một vết gạch nhấn mạnh cho sự dẫn đầu của Apple. Ngay cả khi Nexus 9 có giá thấp hơn iPad Air 2 những 100$ thì máy vẫn chưa thể cạnh tranh lại iPad khi nói đến thiết kế, thời lượng pin cũng như sự linh hoạt về phần mềm. Và dường như để nhấn mạnh điều đó, HTC đã giảm giá Nexus 9 đến 50% chỉ một ngày sau khi sản phẩm lên kệ.



Đây là chuyện có thể dự đoán được, bởi vì ngoài iPad ra thì có rất ít bằng chứng cho thấy việc kinh doanh tablet sẽ sinh lợi nhuận. Hồi năm 2010, HP ra mắt chiếc HP Slate vài tuần trước khi iPad đời đầu xuất hiện nhưng rồi cũng không thành công. Một năm sau, BlackBerry PlayBook, Motorola Xoom hay HP TouchPad lại càng củng cố thêm cho lập luận nói trên. Trong khi đó, iPad bán cực kì chạy, và chỉ đến giữa năm 2011 thì doanh số của dòng tablet này đã vượt qua mốc 3 triệu chiếc.

Thực chất mà nói thì iPad vẫn chưa bao giờ có một lý do rõ ràng để tồn tại. Apple chưa bao giờ trao cho iPad lý do đó, thay vào đó họ tập trung vào mặt kĩ thuật, về phần mềm, thiết kế, rồi tự tin rằng người dùng sẽ tìm ra nhiều cách khác nhau để đưa iPad vào cuộc sống thường ngày. Như lời Jony Ive: “Tôi không phải thay đổi bản thân mình để sử dụng một sản phẩm; nó phải thay đổi vì tôi”. Thời gian đã chứng minh triết lý này là đúng, bởi iPad đã phát triển vượt qua giới hạn vật lý của mình và có mặt trong hàng triệu hộ gia đình trên toàn thế giới.

Có vẻ như một chiếc "iPhone phóng to” cũng không hẳn là một thứ quá tệ như người ta vẫn hay chê iPad hồi năm 2010!





Theo endgame.vn