Để cho dễ hình dung về qui mô của phim Big Hero 6, trong thành phố San Fransokyo có khoảng 83.000 tòa nhà, 260.000 cây xanh, 215.000 đèn giao thông và hơn 100.000 xe cộ, ngoài ra còn có hàng ngàn đám đông người trên các con phố nữa.





1. Vài chi tiết nhỏ về việc thực hiện phim Big Hero 6

Big Hero 6 là phim hoạt hình thuộc dạng "bom tấn" của Disney, chuẩn bị ra mắt toàn cầu vào ngày 7/11 tới đây (ở một số thị trường có thể sớm hơn chút xíu, 5/11). Phim lấy bối cảnh về San Fransokyo, một thành phố hybrid giả tưởng hiện đại và sầm uất, ở đó có cậu bé Hiro Hamada mơ ước chế tạo được những chú rô bốt hiện đại, xứng tầm là người hùng của thành phố.

"Đây là một Thế giới bí ẩn khác của vũ trụ Marvel" - Don Hall, một đạo diễn của Big Hero 6 cho biết. (Hồi năm 2009, Disney mua lại hãng truyện tranh Marvel với số tiền khoảng 4,64 tỉ USD).

Để thực hiện các công đoạn hậu kì cho phim Big Hero 6, Disney Animation Studios đã phát triển bộ phần mềm Hyperion để xử lý các hiệu ứng ánh sáng trong phim, tuy nhiên phần mềm này vẫn đang còn ở giai đoạn beta. Disney tiết lộ rằng một team 10 người phải mất tới 2 năm để phát triển Hyperion. "Chúng tôi từng nói nhiều, rất nhiều lần rồi. Chúng tôi làm phim bằng một công cụ render giai đoạn beta", Hank Driskill, giám sát kĩ thuật cho bộ phim tiết lộ.





Tuy vậy, Hyperion chỉ là một trong số hàng chục công cụ khác nữa mà Disney sử dụng để hoàn tất hậu kì cho bộ phim, điển hình là ứng dụng Tonic mà họ từng dùng để làm kĩ xảo cho mái tóc siêu dài của công chúa Rapunzel trong phim Tangled (Tóc Rối). Có thể nói, Hyperion là một trong những dự án táo bạo và liều lĩnh nhất của nhóm Disney R&D, khi dám sử dụng một công cụ beta để thực hiện hậu kì cho bộ phim bom tấn này, kiểu giống như vừa xây nhà vừa ở, ở tới đâu xây tới đó.

Thật ra thì Disney đã tính tới một phương án dự phòng khác. Song song với việc sử dụng Hyperion, họ vẫn lập ra một team để theo đuổi phương án B là sử dụng cách render truyền thống, nhằm giúp cho việc thực hiện phim vẫn được đảm bảo xuyên suốt. Và thực tế thì phương án B vẫn được họ duy trì cho tới tháng 6/2013, lúc này Hank Driskill và mọi người nhận ra rằng họ tốn quá nhiều nhân lực để duy trì phương án phòng ngừa rủi ro đó, và quyết định ngưng luôn phương án B.

Về Hyperion, đây là bộ công cụ render mà một team 10 người của Disney đã mất 2 năm để phát triển. Theo lời họ thì Hyperion sẽ cho phép tạo ra những hiệu ứng hình ảnh tuyệt đẹp có thể mê hoặc những người xem phim, điển hình là nó có thể mô phỏng hiệu ứng ánh sáng từ nguồn phát đến các vật thể và phản chiếu ra mọi vật xung quanh. Công cụ này có thể txử lý từ 10 đến 20 nguồn sáng như vậy một lúc. Tóm lại, Disney đã sử dụng 4 cỗ siêu máy tính với tổng cộng 55.000 nhân xử lý để render cho bộ phim Big Hero 6.




Có một chi tiết thú vị là 4 cỗ siêu máy tính đó ở 4 nơi khác nhau (3 đặt ở Los Angeles và 1 ở San Francisco), và nhóm của Andy Hendrickson - kĩ sư trưởng công nghệ của Disney - đã phải viết một phần mềm có tên Coda để giả lập 4 hệ thống đó thành 1, nhằm giúp quá trình render được dễ dàng và thông suốt hơn. "Bộ phim quá phức tạp để con người có thể tự mình thực hiện được, do đó chúng tôi phải nhờ tới sức mạnh của các cỗ máy tính". Hendrickson tiết lộ rằng trung bình mỗi ngày hệ thống phải xử lý hơn 400.000 phép tính toán.

"Sức mạnh của hệ thống Hyperion có thể Render phim Tangled chỉ mất 10 ngày".





Để cho dễ hình dung về qui mô của phim Big Hero 6, trong thành phố San Fransokyo có khoảng 83.000 tòa nhà, 260.000 cây xanh, 215.000 đèn giao thông và hơn 100.000 xe cộ, ngoài ra còn có hàng ngàn đám đông người trên các con phố nữa. San Fransokyo được lấy hình mẫu thật từ thành phố San Francisco của Mỹ. Những con số cực kì lớn, có lẽ chúng ta chỉ thấy được số lượng vật thể nhiều như vậy trong những game lớn như GTA hay Sleeping Dogs mà thôi.

Ngoài việc sử dụng công nghệ đồ họa để xây dựng nhân vật, Disney còn chu đáo hơn khi đưa một nhóm trực tiếp đi học tập các công nghệ phát triển robot tại các trường đại học danh tiếng như MIT, Harvard, Carnegie Mellon, ĐH Tokyo (dự kiến sẽ được ứng dụng thực tế trong 5-10 năm nữa) để có thể tạo dáng và mô phỏng chuyển động của các robot được thật hơn, điển hình là chuyển động của "robot thân mềm" Baymax do cậu nhóc Hiro Hamada tạo ra (trong phim có cảnh Hiro dùng máy in 3D để tạo bộ giáp bên ngoài cho Baymax).





2. Thành phố San Fransokyo trong Big Hero 6

Trong phim hoạt hình mới nhất của Disney là Big Hero 6 có một thành phố hybrid giả tưởng, lấy bối cảnh thật từ thành phố San Francisco của Mỹ và Tokyo của Nhật Bản. Sự kết hợp của văn hóa phương Tây và Phương Đông này thể hiện rõ rệt ở thành phố San Fransokyo, vừa hiện đại vừa kì bí, hệt như sự kết hợp giữa 2 thế giới Disney và Marvel.

Có một chi tiết thú vị đó là Disney mua lại studio Marvel từ năm 2009, nhưng Big Hero 6 mới là sản phẩm đầu tay từ sự hợp tác của 2 thương hiệu này: nhân vật Hiro Hamada 14 tuổi và chú "robot thân mềm" Baymax là 2 nhân vật thuộc Thế giới Marvel.




Về mặt Địa lý thì San Fransokyo được bê gần như nguyên xy từ thành phố San Francisco lên phim hoạt hình: nơi đó có hơn 83.000 tòa nhà, 260.000 cây xanh, 215.000 đèn giao thông và hơn 100.000 xe cộ lưu thông. Han Driskill, giám sát kĩ thuật của phim nói rằng "Nếu sống ở San Francisco và có cơ hội bước vô thế giới của San Fransokyo, bạn có thể tìm thấy căn nhà của mình ở ngay chính xác vị trí của nó ở ngoài đời thật".

Thậm chí là trong San Fransokyo có tới 23 quận khác nhau, mỗi quận lại được thiết kế màu sắc, thời tiết khác nhau để tạo nên sự chân thực nhất cho người xem. Tuy nhiên, hầu hết bảng hiệu, biển tên đường hay bảng quảng cáo ở thành phố này là bằng tiếng Nhật, kể cả chiếc cầu Golden Gate - biểu tượng của San Francisco - cũng được thiết kế lại theo phong cách Đông phương của Nhật Bản.




Để tạo ra sự khác biệt cho San Fransokyo, Disney cũng đã thay đổi khá nhiều chi tiết khi đưa nó lên phim, ví dụ nâng chiều cao của một số công trình hoặc "Đông phương hóa" kiến trúc, thiết kế của nó. Nhà sản xuất nói rằng trong Big Hero 6 chứa rất nhiều "trứng phục sinh" hơn bất kì phim nào khác của Disney trước đây và chúng ta có thể thỏa sức khám phá những chi tiết thú vị đó (mặc đù đây là phim chứ không phải game).

Andy Hendrickson, Giám đốc kỹ thuật của Disney nói rằng Big Hero 6 là phim phức tạp nhất mà họ từng thực hiện, hơn cả 3 phim hoạt hình mới nhất của Disney (tính tới trước phim này) gộp lại. Điều họ muốn là tạo ra một thành phố San Fransokyo mà bất cứ ai khi thấy nó trên màn ảnh đều muốn được thực tế sống ở nơi đó.




Một trong những thách thức khác của Disney đó là làm cho San Fransokyo thực sự là một thành phố có sức sống. "Không đơn giản chỉ là tạo một thành phố, chúng tôi muốn nó thực sự là một đô thị có sức sống". Trước đây, trong phim hoạt hình Bolt thì Disney cũng từng xây dựng thành phố New York, tuy nhiên họ đã gặp rất nhiều khó khăn khi tạo khoảng 100 người đang sinh hoạt trên những con phố. Nhưng với công nghệ hiện nay, với hệ thống 4 siêu máy tính và phần mềm Denizen thì họ đã thực sự tạo được sự đột phát với thành phố San Fransokyo. Thật khó tin khi họ đã tạo ra tới hơn 750.000 người trong thành phố giả tưởng kể trên, đây cũng là con số xấp xỉ dân số thực sự của San Francisco. Tài tình là mỗi người trong phim Big Hero 6 đều có một tạo hình, cá tính riêng và không ai lẫn với ai.







Theo Wiliams và Hall thì tất cả các công nghệ xuất hiện trong Big Hero 6 đều là những công nghệ có thật hoặc ít ra thì cũng dựa trên những ý tưởng hiện nay, chúng ta có máy in 3D trên mỗi bàn làm việc của nhóm bạn Hiro Hamada, có công nghệ Hologram, và một vài cảnh quay trong phim được lấy bối cảnh từ trụ sở thực tế của Google.





Dù gì đi nữa thì Disney cũng đã hoàn tất bộ phim Big Hero 6, việc của họ là phát hành nó còn việc của chúng ta là chờ tới tháng 11 này để cùng ra rạp xem phim, thưởng thức bom tấn hoạt hình mới nhất của Disney. Hẹn gặp lại các bạn vào ngày 7/11 tới đây.






Theo endgame.vn